27/05/2022 admin
Công nghệ 4.0 đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ, gây tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong kỷ nguyên số hóa, công tác PCCC và CNCH cũng phải thay đổi sâu rộng để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong tình hình mới.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội lớn của cả nước. Thành phố với sự tăng trưởng nóng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều loại hình đặc thù như: Công trình ngầm, công trình siêu cao tầng, nhà xưởng rộng hàng nghìn m2, Thành phố vẫn luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao.
Bên cạnh, việc ứng dụng công nghệ vào công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH còn chú trọng việc ứng dụng công nghệ vào việc phát hiện sớm các vụ cháy, cụ thể Trung tâm thông tin chỉ huy – Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đang triển khai vận hành 03 hệ thống cảnh báo cháy nhanh để tiếp nhận tín hiệu báo cháy từ cơ sở giúp lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kịp thời điều động lực lượng, phương tiện đến đám cháy, rút ngắn thời gian phát triển tự do của đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhà nước và nhân dân. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng có thể tận dụng các hệ thống cảnh báo cháy này vào công tác tác chiến điện tử phục vụ công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Với những ứng dụng khoa học công nghệ hiện có, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác chỉ huy điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cụ thể như: truyền trực tiếp hình ảnh hiện trường cháy (livestream) về Trung tâm thông tin chỉ huy; xây dựng ứng dụng tuyên truyền PCCC trên nền tảng điện thoại thông minh tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các kiến thức về an toàn PCCC. Đồng thời, đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC với nội dung phong phú, hình thức thiết thực, phù hợp với người dân hơn.
Tuy đã ứng dụng nhiều công nghệ trong công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhưng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH mới chỉ tiếp cận được một phần rất nhỏ trong nền tảng công nghệ 4.0 chưa ứng dụng được những công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn Big Data. Trong thời gian tới, để có thể tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả các công nghệ 4.0 của thế giới, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tích cực tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền các cấp chỉ đạo đưa nhiệm vụ ứng dụng Công nghệ 4.0 vào công tác PCCC&CNCH xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của đơn vị.
Hai là, tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn về khoa học công nghệ để có thể lĩnh hội được những thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực PCCC&CNCH.
Ba là, số hóa (Scan Văn bản giấy thành file PDF hoặc chuyển từ file Word sang file PDF) hồ sơ điều tra cơ bản, quản lý cơ sở của các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, trước mắt tập trung số hóa các hồ sơ như: phương án chữa cháy, phiếu chiến thuật chữa cháy, phiếu quản lý cơ sở, biên bản cứu chữa vụ cháy và các báo cáo có liên quan đến vụ cháy (nếu có), giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản nghiệm thu, biên bản kiểm tra về PCCC, biên bản vi phạm về PCCC và Quyết định xử phạt vi phạm về PCCC, biên bản tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập PACC và CNCH; Thu thập, cập nhật, xây dựng CSDL điện tử về sơ đồ tổng mặt bằng, bản vẽ kiến trúc (mặt bằng, mặt đứng), bản vẽ mặt bằng hệ thống PCCC của các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; CSDL về lực lượng, phương tiện CC&CNCH của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn Thành phố; CSDL về giao thông, nguồn nước chữa cháy trên địa bàn Thành phố; Xây dựng công cụ quản lý cơ sở trực tuyến để thu thập dữ liệu công tác PCCC từ cơ sở và nhập liệu các CSDL, thông tin dưới dạng số liệu, file điện tử đã được thu thập, cập nhật, số hóa vào trong phần mềm chỉ huy điều hành PCCC và phần mềm quản lý công tác PCCC, tích hợp thành hệ thống CSDL duy nhất để hiển thị trên nền bản đồ số chuyên ngành PCCC phục vụ quản lý, điều hành và tác chiến điện tử chỉ huy CC&CNCH tại Trung tâm thông tin chỉ huy – Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Bốn là, nâng cấp, tích hợp các hệ thống cảnh báo cháy nhanh tại Trung tâm thông tin chỉ huy – Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH để nhận tin cảnh báo cháy sớm chính xác nhất tại các cơ sở, công trình…có lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm.
Năm là, nghiên cứu các giải pháp nâng cao công tác chỉ huy điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để ứng dụng vào thực tế trong tương lai như:
+ Xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống cháy của công trình, phân tích các rủi ro định lượng sự cháy, nổ. Giúp lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH triển khai chiến thuật chữa cháy tốt nhất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
+ Ứng dụng trí tuệ nhân tạo quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về các vụ cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ đã xảy ra giúp dự báo được tình hình cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ trong tương lai. Qua đó giúp lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đề phòng và có những giải pháp đối phó thích hợp.
+ Ứng dụng vạn vật kết nối để cung cấp thông tin cho các đơn vị liên quan về lộ trình của xe chữa cháy, xe chuyên dụng đang trên đường làm nhiệm vụ để lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có lộ trình thông thoáng nhất đến nơi xảy ra sự cố.
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai Đề án Đô thị thông minh trong 10 năm tới thì việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chỉ huy, điều hành PCCC&CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH càng cần thiết
Tin tức liên quan
Đăng ký thông tin để nhận tin tức ưu đãi sớm nhất từ Điện Thành An